Tiểu sử Cưu-ma-la-thập

Cưu-ma-la-thập xuất phát từ một gia đình quý tộc tại Quy Từ (Kucha), thuộc xứ Tân Cương ngày nay. Cha là Cưu-ma-la-viêm (Kumārāyana, 鳩摩羅炎) - hậu duệ của một dòng tộc khanh tướng của nước Kế Tân (nay có lẽ là Kashmir), quốc sư của Quy Từ, mẹ là công chúa - em gái quốc vương Quy Từ.[2]

Mới lên bảy, Cưu-ma-la-thập đã cùng mẹ gia nhập Tăng-già. Hai mẹ con đến Kashmir và học kinh A-hàm và giáo lý Nhất thiết hữu bộ với các vị sư lớn. Sau đó hai người lưu lại tại Kashgar một năm và sư học thêm ngành thiên văn, toán học và khoa học huyền bí. Cũng nơi đó, sư bắt đầu tiếp xúc với Đại thừa và sau đó chuyên tâm tìm hiểu giáo pháp này. Dần dần danh tiếng của sư là luận sư xuất sắc lan xa, đến tới triều đình Trung Quốc.

Năm 384 sư bị bắt trong một cuộc chiến tranh tại Quy Từ và bị tướng của Tiền TầnLã Quang (Hậu Lương Thái Tổ) giam giữ 17 năm ở Lương Châu. Năm 401 Diêu Hưng tấn công tiêu diệt Hậu Lương. Ngày 10 tháng Chạp năm đó sư được đưa về Trường An và được triều đình Hậu Tần ủng hộ trong công tác dịch kinh. Sư bắt đầu công trình dịch thuật với sự góp sức của hàng ngàn nhà sư khác. Cùng năm này, sư được Hậu Tần phong danh hiệu "Quốc sư".